Tin tức

Tuyển dụng nhân sự tháng 10/2020

Công ty Cổ phần Kiến trúc Xây dựng Quốc tế 1+1>2 cần tuyển dụng các vị trí sau: Kiến trúc sư - Số lượng: 01 (nam) Mô tả công việc Kiến trúc sư tham gia thiết kế các dự án xã hội nhằm phục vụ cộng đồng yếm thế, khó khăn. Tham gia các giai đoạn từ liên ý tưởng, triển khai kỹ thuật, giám sát tác giả tại công trình, làm việc với chủ đầu tư và các nhà thầu. Công việc chủ yếu ở các địa phương miền núi phía Bắc. Có sự đam mê, nhiệt huyết với nghề kiến trúc, mong muốn dấn thân làm kiến trúc vì cộng đồng. Có tinh thần học hỏi, tìm hiểu với sự hướng dẫn, chỉ dạy của công ty. Yêu cầu Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Kiến trúc hoặc tương đương. Sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên dụng phục vụ cho thiết kế như AutoCAD, Photoshop, Sketchup, Revit... Nhanh nhẹn, có khả năng giao tiếp tốt, biết tiếng Anh là lợi thế (không bắt buộc). Có thái độ hòa đồng, tích cực trong công việc. Có định hướng gắn bó lâu dài với công ty. Quyền lợi Nhân viên có năng lực tốt có thể ký hợp đồng chính thức khi chưa hết thời gian thử việc. Mức lương khởi điểm: 10 - 12 triệu. Lương, thưởng theo quy định của công ty (lương tháng 13, thưởng) Hưởng các chế độ dành cho người lao động theo như quy định pháp luật hiện hành (BHYT, BHXH, BHTN…)   Kỹ sư xây dựng - Số lượng: 02 (nam) Mô tả công việc Kỹ sư giám sát và thi công các dự án xã hội phục vụ cộng đồng. Tham gia tổ chức thi công ở địa phương (cụ thể là miền núi phía Bắc), giám sát tại công trình, làm hồ sơ dự án. Có sự đam mê, nhiệt huyết, nhanh nhẹn. Có tinh thần học hỏi, tìm hiểu với sự hướng dẫn, chỉ dạy của công ty.   Yêu cầu Tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành Kỹ sư hoặc tương đương. Sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên ngành và phần mềm văn phòng phục vụ công việc. Nhanh nhẹn, giao tiếp tốt, có khả năng thuyết trình và đàm phán tốt. Có thái độ hòa đồng, tích cực trong công việc. Có định hướng gắn bó lâu dài với công ty. Quyền lợi Nhân viên có năng lực tốt có thể ký hợp đồng chính thức khi chưa hết thời gian thử việc. Mức lương khởi điểm: 10 - 12 triệu. Lương, thưởng theo quy định của công ty (lương tháng 13, thưởng) Hưởng các chế độ dành cho người lao động theo như quy định pháp luật hiện hành (BHYT, BHXH, BHTN…)   Cách thức ứng tuyển: Online: Ứng viên gửi Hồ sơ có kèm ảnh qua email: [email protected]. Ghi rõ tiêu đề: [Họ tên ứng viên] ứng tuyển [Tên vị trí ứng tuyển]   Trực tiếp : Gửi Hồ sơ đến địa chỉ: Văn phòng kiến trúc 1+1>2- Tầng 5, tòa nhà Cora, 24 Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội   Hồ sơ ứng tuyển bao gồm: CV (có kèm ảnh) Portfolio   Mọi chi tiết vui lòng liên hệ:   Trụ sở: Tầng 5, tòa nhà Cora, 24 Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội Điện thoại: 024 3976 4253; 097 395 6691 (Ms Thùy Linh) Website: http://www.112.com.vn Fanpage: Văn phòng kiến trúc 1+1>2 Email: [email protected] (Thời gian làm việc: Giờ hành chính, từ thứ 2 - sáng thứ 7)   Những ứng viên phù hợp chúng tôi sẽ liên hệ mời phỏng vấn trực tiếp tại công ty. Trân trọng ./.

Ngày kiến trúc sư Việt Nam 27/4/2020 tại Văn phòng 1+1>2

Ngày Kiến trúc sư Việt Nam 27/04/2020 trở nên thật đặc biệt với đội ngũ KTS của 1+1>2 khi được đón tiếp diva Thanh Lam tới làm việc và lưu lại chung vui cùng chúng tôi. Nhân sự kiện đặc biệt này, ca sĩ Thanh Lam đã hát và giao lưu cùng đội ngũ kiến trúc sư của 1+1>2. Câu chuyện về kiến trúc - nghệ thuật ngân vang giao hưởng... 1+1>2 cũng xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các đồng nghiệp của chúng tôi. Chúc các KTS luôn giữ vững ngọn lửa đam mê, cống hiến và sáng tạo nhiều công trình đáng tự hào cho nền kiến trúc nước nhà!   Lịch sử hình thành ngày Kiến trúc Việt Nam Cách đây 72 năm vào ngày 27/4/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các kiến trúc sư ở Đại hội lần thứ I, chính thức thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam (nay là Hội Kiến trúc sư Việt Nam) tại làng Thản Sơn, xã Chiến Thắng, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 27/4 hàng năm là Ngày Kiến trúc Việt Nam.

Giảng viên đại học khởi nghiệp để kiến trúc truyền thống ‘cất tiếng nói’ thời đại

Với niềm đam mê đối với kiến trúc, thầy giáo Hoàng Thúc Hào sáng lập công ty 1+1>2 để tạo ra những công trình lưu giữ tinh hoa văn hóa truyền thống nhưng vẫn mang hơi hướng hiện đại.   Cái tên “1+1>2” đã trở nên quen thuộc trong giới kiến trúc từ lâu. Công ty 1+1>2 nổi tiếng qua nhiều công trình kiến trúc cộng đồng mang tầm ảnh hưởng như Suối Rè (Hòa Bình), nhà cộng đồng Tả Phìn (Lào Cai), nhà cộng đồng Nậm Đăm (Hà Giang), nhà cộng đồng Cẩm Thanh (Hội An, Quảng Nam).   Hoàng Thúc Hào – người sáng lập 1+1>2 - tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Bách khoa Turin, Italia. Sau khi về nước, anh trở thành giảng viên khoa Kiến trúc của Đại học Xây dựng – nơi anh từng học tập. Đam mê kiến trúc khiến anh muốn dấn thân vào thực tế cuộc sống. Năm 2003, anh cùng hai người bạn mở văn phòng kiến trúc 1+1>2, bắt đầu hành trình khởi nghiệp tại đây. Trò chuyện trong Đường đến thành công gần đây, Hào lý giải cái tên đặc biệt 1+1>2: “Kiến trúc là sự tổng hợp đa ngành giữa nghệ thuật và kỹ thuật, văn hóa và công nghệ. Đó là ý nghĩa của 1+1. Mặt khác, kiến trúc sư là người tạo ra sản phẩm. Khi họ nắm rõ từng lĩnh vực lối sống, tâm lý từng vùng miền kết hợp tiến bộ kỹ thuật hiện đại, họ sẽ tạo ra công trình mang bản sắc riêng biệt nhưng cất tiếng nói thời đại. Tác phẩm cuối cùng là giá trị hợp chuẩn lớn hơn 2”. Tâm niệm “kiến trúc sinh ra từ đất rồi cũng trở về với đất”, đội ngũ 1+1>2 thiết kế hàng trăm công trình thân thiện môi trường, bảo vệ cảnh quan cho thế hệ sau. Họ tạo nên hơn 20 công trình xã hội như nhà cộng đồng, sân chơi cho trẻ em, trường học, nhà ở nông thôn mới, nhà ở công nhân, nhà chống lũ ở địa bàn khó khăn, khu vực miền núi. Bảo tàng gốm Bát Tràng - công trình kiến trúc do 1+1>2 thiết kế. Ảnh: 1+1>2.   Theo Hào, kiến trúc phải biểu hiện văn hóa, đồng thời tạo kênh hội nhập với thế giới nên anh lựa chọn những công trình cộng đồng để tạo “dấu ấn” nghề nghiệp. Khác nhà văn, họa sĩ, kiến trúc sư không thể độc lập hoàn thành tác phẩm, vì muốn biến bản vẽ thành công trình cần nhiều chi phí. “Kiến trúc sư phải biết xót đồng tiền bát gạo của người dân”, Hào nhấn mạnh. Thay vì chú trọng thiết kế thẩm mỹ, 1+1>2 luôn hướng đến triết lý “kiến trúc hạnh phúc”. Hào tâm niệm kiến trúc trước hết vì con người. Một gia đình phải tiết kiệm, chắt chiu cả đời mới xây được ngôi nhà. Do đó, kiến trúc sư cần thiết kế để họ cảm thấy thoải mái, tiện nghi, hứng khởi nhất khi sử dụng. Dù diện tích lớn hay nhỏ, không gian phải thoáng đãng, có ánh sáng, gió đối lưu, vừa sáng tạo nhưng vẫn tạo cảm giác thân thuộc. Lấy cảm hứng từ quan điểm quốc gia hạnh phúc của Thủ tướng Bhutan, Thúc Hào muốn làm kiến trúc trở nên hạnh phúc. Anh cho rằng, một công trình kiến trúc thành công là tác phẩm khiến người sống ở trong đó thấy hạnh phúc. Để thiết kế công trình hạnh phúc, trước hết kiến trúc sư phải cảm thấy hạnh phúc. Sự hạnh phúc khiến kiến trúc sư dấn thân, sáng tạo vì con người, tương lai văn hóa mọi vùng miến, từ đô thị đến nông thôn, từ người giàu đến người nghèo. Họ cho ra đời những sản phẩm kiến trúc truyền thống, kế thừa tinh hoa của cha ông nhưng “cất tiếng nói” thời đại. Đó là những công trình của thế hệ mới, mang tầm ảnh hưởng tới “bộ mặt” văn hóa quốc gia. Công trình thiết kế ngôi nhà hướng Tây của 1+1>2. Ảnh: 1+1>2. Ngoài thời gian ở văn phòng 1+1>2, thầy giáo Hào vẫn dành nhiều thời gian chăm lo việc giảng dạy. Là một kiến trúc sư thực tế, anh mang nhiều chất liệu, thông tin bổ ích vào bài giảng. Đây là cơ hội truyền cảm hứng, kinh nghiệm, đam mê, triết lý kiến trúc của một người đi trước cho hàng ngàn, hàng vạn sinh viên. Họ sẽ là thế hệ kế thừa, phát huy quan điểm về kiến trúc hạnh phúc cho mai sau. Kể từ ngày đầu là sinh viên cho đến hôm nay, Thúc Hào vẫn giữ trọn niềm đam mê, tâm huyết với ngành kiến trúc. Trong thời đại toàn cầu hóa, các công ty kiến trúc nước ngoài đổ bộ vào nước ta. Anh đặt ra thách thức cho bản thân là khiến 1+1>2 đứng ngang tầm, cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp quốc tế. Để làm được điều đó, anh cùng cộng sự sẽ biến kiến trúc truyền thống dân tộc thành công trình hiện đại 4.0 tương xứng. Đôi nét về kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào sinh năm 1971 tại Hà Nội. Năm 2006, anh là người Việt Nam đầu tiên giành giải thưởng SIA-GETZ cho kiến trúc sư nổi bật Châu Á. Vừa qua, Đại hội Kiến trúc Thế giới (UIA) lần thứ 26 trao giải lớn Vassilis Sgootas Prize để ghi nhận đóng góp của anh trong sáng tạo kiến trúc cho người nghèo ở nông thôn, vùng núi. Gần 30 năm hành nghề kiến trúc, anh có bộ sưu tập với 35 giải thưởng quốc tế, 43 giải thưởng, bằng khen trong nước. Đó là những ghi nhận đáng tự hào của một kiến trúc sư mang theo triết ký “kiến trúc hạnh phúc”.

Giải kiến trúc xanh Spec Go Green 2018: Công trình “Làng Mít” giành giải Nhất hạng mục kiến trúc sư

Với việc khai thác được yếu tố “bản địa” và cách sử dụng vật liệu địa phương thân thiện với môi trường, công trình “Jackfruit Village” (Làng Mít) của nhóm KTS thuộc Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 đã xuất sắc đạt giải Nhất hạng mục kiến trúc sư của Giải kiến trúc xanh Spec Go Green 2018. Công trình "Làng Mít" đạt giải Nhất hạng mục kiến trúc sư - Ảnh: Ban tổ chức cung cấp.   Theo Hội đồng giám khảo, cuộc thi năm nay đã nhận được tổng cộng 185 đồ án, công trình kiến trúc xanh, bao gồm: 77 bài dự thi ở hạng mục kiến trúc sư, 108 bài dự thi của sinh viên. Trong số đó 92 bài của sinh viên trong nước và 16 bài dự thi từ các thí sinh nước ngoài. Sau nhiều ngày làm việc, thảo luận và đánh giá trên nhiều phương diện, Ban giám khảo đã đi đến quyết định cuối cùng cho các bài thi chính thức đạt giải Spec Go Green International Award năm 2018. Tại hạng mục kiến trúc sư, ngôi vị quán quân thuộc về công trình “Jackfruit Village” (Làng Mít) của nhóm kiến trúc sư: Đỗ Minh Đức, Lê Đình Hùng, Đường Văn Mạnh, Phạm Hồng Ngọc, Phùng Ngọc Hà Ly, Nguyễn Gia Phong thuộc Văn phòng Kiến trúc 1+1>2. Hội đồng giám khảo đánh giá, đây là dự án đặc biệt khi khai thác được yếu tố “bản địa” và cách sử dụng vật liệu địa phương thân thiện với môi trường (gạch đất không nung, mái lá cọ). Toàn bộ các thiết kế đều xoay quanh các gốc mít, gốc bưởi, tận dụng bóng mát cho sinh hoạt và tôn trọng bản sắc của người dân trong khu vực. Ở hạng mục sinh viên kiến trúc, giải Nhất thuộc về đồ án “Tháp nuôi rừng” của nhóm sinh viên Trần Anh Duy, Phạm Duy Tân – Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh. Giải thưởng kiến trúc xanh Spec Go Green 2018 do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức, đây là lần thứ 5 giải thưởng được phát động.  Bên cạnh những giải cao, cuộc thi đón nhận rất nhiều công trình mang cấu trúc độc đáo, sáng tạọ. Lễ trao giải thưởng Spec Go Green International Awards 2018 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 1/2019.

Lễ ký kết Liên danh ALINCO và 1+1>2

  ALINCO với gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn xây dựng, được BCI đánh giá là 1 trong 10 công ty hàng đầu tại Việt Nam về kiến trúc. Phương châm làm việc của ALINCO từ khi thành lập là “Luôn đem lại cho khách hàng sự sáng tạo trong kiến trúc, kỹ thuật và hiệu quả kinh tế từ mỗi công trình”. Văn phòng kiến trúc quốc tế 1+1>2 nổi tiếng qua nhiều công trình kiến trúc cộng đồng mang tầm ảnh hưởng. Thay vì chú trọng thiết kế thẩm mỹ, 1+1>2 luôn hướng đến triết lý “kiến trúc hạnh phúc”. KTS Hoàng Thúc Hào – người sáng lập 1+1>2 được vinh danh là Kiến trúc sư nổi bật châu Á năm 2016, đạt giải Vassilis Sgoutas 2017- Giải thưởng danh giá bậc nhất của Hiệp hội Kiến trúc sư thế giới UIA với cụm công trình xã hội, cộng đồng mà công ty thực hiện gần 10 năm trở lại đây. Trong thời đại toàn cầu hóa, Liên danh giữa ALINCO và 1+1>2 đặt ra thách thức là đứng ngang tầm, cạnh tranh cùng các công ty kiến trúc nước ngoài, doanh nghiệp quốc tế với những kiến trúc sư Việt Nam tâm huyết, mong muốn mang giá trị văn hóa truyền thống vào các công trình kiến trúc. Sự hợp tác này là bước khởi đầu quan trọng của cả hai công ty, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ALINCO và Văn phòng kiến trúc 1+1>2 tại Việt Nam./.  

Văn phòng 1+1>2: Trường học như đóa hoa rừng

LTS: Trường học Lũng Luông là một công trình mới hoàn thành sau 2 năm thực hiện của 1+1>2 và KTS Hoàng Thúc Hào. Công trình được thiết kế với ngôn ngữ hiện đại, đường nét tươi mới với sản phẩm gạch đất do 1+1>2 nghiên cứu và sản xuất…Công trình không chỉ là một sản phẩm kiến trúc của một công ty mà còn là kết tinh của những nỗ lực trong nhiều năm của hoạt động vì trẻ em vùng cao của Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao, 1+1>2, Phoenix Fundation. Tôi chợt nhớ câu:”Kiến trúc là một ngành nghệ thuật xã hội” như KTS Normal Foster đã từng giải thích về cách kiến trúc đáp ứng nhu cầu, nâng cao chất lượng sống và gắn kết con người… Công trình: Trường học Lũng Luông Đơn vị thiết kế: Công ty kiến trúc 1+1>2 Chủ trì thiết kế: KTS Hoàng Thúc Hào, KTS Vũ Xuân Sơn Chủ đầu tư: Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao (Chương trình Cơm Có Thịt) Nhà tài trợ: Phoenix Fundation (TP. Hồ Chí Minh) Địa điểm: Xóm Lũng Luông, Xã Thượng Nung, Huyện Võ Nhai, Thái Nguyên Diện tích xây dựng: 1200m2 Trường học lũng luông là món quá giành cho trẻ em dân tộc vùng cao, nơi có địa đình hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt. Mục tiêu của dự án là xây dựng cho các em một ngôi trường tiện nghi, chắc bền, có thể chống lại sự khó khăn của thiên nhiên, tạo niềm hứng khởi mỗi khi đến lớp. Trường được thiết kế đảm bảo các tiêu chuẩn về trường học như chiếu sáng, thông gió, cách âm. Để tiết kiệm kinh phí, độc đáo, tăng khả năng cách nhiệt: mát về mùa hè, ấm về mùa đông, gạch xây dựng đã được làm từ đất tại chỗ, tận dụng lại từ công tác san lấp mặt bằng. Không gian được tổ chức linh hoạt thành các lớp trong – ngoài, rỗng – đặc, không gian tĩnh – không gian động, giữa các khối với nhau. Phối cảnh công trình   Ngôi trường hiện lên như một bông hoa rừng, với mầu sắc sinh động, có hiệu ứng thị giác mạnh, mỗi góc nhìn là một cảm nhận khác nhau. Công tác xây dựng gặp nhiều khó khăn, và kéo dài lý do cả về chủ quan lẫn khách quan . Tuy nhiên nhờ sự nỗ lực của đội thi công, quản lý chặt chẽ bên Quỹ , giúp đỡ tận tình và hỗ trợ từ phiá nhà trường, đến nay công trình cơ bản đã hoàn thành, gần 4000m2 xây dựng bao gồm: 8 lớp khối tiểu học, 2 lớp mầm non, phòng đa năng, hiệu bộ, ký túc xá cho học sinh – giáo viên, bếp, vệ sinh, sân vườn với chất lượng đảm bảo, đúng theo thiết kế sãn sàng phục vụ cho năm học mới.

KTS Hoàng Thúc Hào: Bỏ 1 tỷ ra xây nhà cộng đồng chẳng thu lại được nhưng tới giờ tôi thấy mình lãi quá!

  Trò chuyện với KTS Hoàng Thúc Hào mới thấy hết tâm huyết anh dành cho cộng đồng. Không chỉ đơn giản là thiết kế một công trình, đó là cả sự tính toán, cân đo để kiến trúc được đưa vào hoạt động và duy trì nhằm phục vụ đông đảo người dân ở những cộng đồng yếm thế và thiểu số. "Mọi thứ đến như một cái duyên tự nhiên thôi" là chia sẻ của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào khi nói về tình yêu mà anh gửi gắm vào mỗi công trình dành cho cộng đồng. Trước buổi trò chuyện, anh dẫn chúng tôi đi thăm quan, giới thiệu từng "đứa con tinh thần" của mình được trưng bày tại văn phòng 1+1>2.   Vì sao anh quyết định dồn công sức làm công trình xã hội, vốn gặp rất nhiều khó khăn?  Văn hóa Việt Nam được hình thành chủ yếu từ các vùng nông thôn, miền núi. Những cộng đồng tại khu vực này ở quá khứ có truyền thống kiến trúc đặc sắc nhưng ở hiện tại, họ chưa có công trình xứng tầm. Trong khi đó, để kiến trúc Việt Nam đi ra ngoài thế giới, nếu chúng ta làm những công trình hiện đại cao tầng như Singapore, Thâm Quyến thì chúng ta thua rồi. Đó không phải là thế mạnh của người Việt Nam.  Những công trình có tiềm lực, tiềm năng của kiến trúc Việt Nam nằm ở kiến trúc cộng đồng, xã hội nhỏ nhắn nhưng đặc biệt như Hội An, Hồ Gươm, chùa Một Cột, đình làng hay nhà ba gian, nhà sàn…     Ở thời điểm đầu, dù chỉ là mơ hồ thôi, chúng tôi vẫn tự hỏi làm sao để làm những kiến trúc Việt Nam vừa giữ được bản sắc vừa có thể hội nhập với quốc tế. Rồi chúng tôi muốn làm thử một công trình cộng đồng. Dù phải tự tìm đất và bỏ tiền đầu tư để làm nhưng mình lại được toàn quyền thử nghiệm. Nếu có chuyện gì xảy ra hay thất bại thì mình sẽ dễ dàng tự chỉnh trang, sửa chữa và chịu trách nhiệm hơn.   Công trình đầu tiên – dự án Suối Rè - được anh và các cộng sự thực hiện như thế nào?  Chúng tôi tìm hiểu vùng Suối Rè. Ở đó, 80% là người Mường, 20% là người Kinh và hơn trăm năm qua, người Mường và người Kinh chung sống hòa thuận với nhau. Vấn đề đặt ra là làm thử nghiệm kiến trúc thì làm cái gì.  Ở đó có rất nhiều vật liệu địa phương nhưng người dân đã quen sống với tre, đất nên không thấy thú vị. Họ nghĩ nhà ở phải “ăn chắc mặc bền”, bê tông hay mái bằng.  Sau cùng, chúng tôi quyết định làm nhà cộng đồng vì những công trình như vậy sẽ hội tụ được nguồn lực về văn hóa. Vấn đề là phải làm sao để nhà cộng đồng được sử dụng thường xuyên. Thực tế, một loạt các nhà văn hóa huyện, xã đang bị “nhân bản vô tính” rồi bỏ hoang. Sau khi tìm hiểu chúng tôi được biết ở đó có một lớp mẫu giáo, chỗ học bị lầy, cứ những ngày trời mưa là nghỉ học nên giờ mình chuyển lớp lên nhà cộng đồng. Thêm vào đó, người dân ở đây chơi bóng chuyền rất giỏi, kể cả phụ nữ nên phía trước nhà sẽ làm một cái sân để hội họp và chơi bóng chuyền. Trên triền đồi, triền núi làm một cái khán đài để bà con ngồi xem. Trong nhà có một tầng bán hầm, mặt trước trông giống căn nhà 5 gian của người Kinh, mặt sau thấp thoáng giống nhà sàn của người Mường, hai trong một.  Khi hoàn thiện, trẻ con học, bà con sinh hoạt, rất vui nhưng sau đó 1 năm, chính quyền xã xây một nhà mẫu giáo ở trung tâm, tất cả các nhà trẻ ở các thôn kéo ra xã học nên dần dần nó ít hoạt động hơn.   Mất bao nhiêu lâu và cần bao nhân sự để hoàn thành công trình đó? 14 tháng. Một cái nhà 2 tầng xây thế là quá lâu. Điều này do nhiều nguyên nhân, ví dụ: chuẩn bị vật liệu thiếu, tre ngâm bị thiếu mà mỗi lần ngâm là mấy tháng sau mới dùng được. Bên cạnh đó là sự phối hợp giữa các phần chưa nhịp nhàng: làm xong tường là phải làm khung, mái ngay nhưng không kịp. Sau này mình lắp khung vào thì tường bị lở, lại phải đắp tường mới nhưng do lớp đất cũ và mới phản ứng hóa học nên không ăn với nhau, bong ra, lại phải chỉnh.  Ngoài ra, kèo, dầm cột... phải chỉnh tỷ lệ. Tỷ lệ kiến trúc là một trong những yếu tố quyết định. Tôi cũng khó tính, nên cứ chỉnh đi chỉnh lại. Nhiều vấn đề khác nữa vì mình chưa từng làm bao giờ nhưng cái hay nhất lại là ở những chỗ như vậy. Cứ chỉnh, cứ làm thì mọi thứ sẽ dần hiện ra và đẹp hơn.  Còn về nhân sự, có lúc 5 người, có lúc mười mấy người.   Anh thuyết phục cộng sự của mình như thế nào để họ cùng anh làm những công trình như thế?   Chỉ có nêu gương thôi. Người Việt Nam thì cách thuyết phục tốt nhất là nêu gương. Họ thấy mình say mê, nhiệt tâm, tận tâm và cũng chẳng vì lợi ích gì cả nên họ tin.    Thế còn sự kêu gọi của các nhà hảo tâm ở bên ngoài?  Nhà cộng đồng đầu tiên hoàn toàn là tôi bỏ tiền túi, cái sau là nhà cộng đồng Tả Phìn thì nhờ vào quyên góp. Một cô người Bồ Đào Nha tên là Viviana đi du lịch ở Sapa, thấy người dân chạy theo khách Tây để bán thổ cẩm thì muốn xây một chỗ để bà con giới thiệu sản phẩm và ngồi bán. Lúc đó, chúng tôi làm xong cái nhà Suối Rè rồi, báo chí, vô tuyến bắt đầu cũng đưa thông tin. Rồi qua tìm hiểu trên mạng và bạn bè giới thiệu, cô Viviana tìm đến. Sau khi làm xong nhà cộng đồng đầu tiên, chúng tôi đang muốn làm thêm một công trình nữa ở vùng khác. Ở Tả Phìn, Sapa là người Dao đỏ trong khi bọn tôi vừa làm một cái cho người Mường nên cảm thấy rất thích. Tôi bảo là bây giờ tôi với chị cùng làm, không chỉ giúp chị thiết kế, quyên tiền mà còn đồng hành với chị trong dự án này.  Làm cái nhà thứ hai đấy cũng phải mất năm rưỡi, hai năm vì vừa làm vừa quyên tiền. Quyên tiền thì các kiểu. Thứ nhất là bạn bè của tôi và cô Viviana, rồi tổ chức các buổi bán đấu giá. Bạn bè mỗi người tặng một cái tranh, cái tượng để bán đấu giá cùng với bán quần áo thổ cẩm. Sau đó có một người bạn là chị Giang ở Hành động đô thị trong Hội An giới thiệu một quỹ bên Mỹ mà người lập ra lại là người gốc Việt - ông Phùng Liên Đoàn. Sau khi làm hồ sơ nộp sang thì ông Đoàn đồng ý tài trợ. Lúc đầu là khoảng 5.000 – 7.000 USD, mình xin 2-3 lần nên tổng số tiền cho phải đến 14.000, 15.000 USD. Tóm lại dự án đó, bạn bè mỗi người giúp một ít 5 triệu, 10 triệu, bán tranh các thứ quyên được tất cả phải đến 550, 600 triệu thì đủ làm.    Chứng tỏ số tiền bỏ ra để làm dự án đầu tiên của anh không hề nhỏ?  Dự án đầu 1 tỷ. Tiền đó về sau mình làm cả một bộ phim nữa, mất khoảng 70 - 80 triệu và cũng dùng cho việc đi lại, xăng xe, ăn uống, cộng sự của mình trong suốt 1 năm đó. Dự án sau thì không phải bỏ tiền nhưng mình bỏ công thôi, cùng bạn bè và chị Viana.     Làm các công trình công cộng mất thời gian, công sức mà không đem lại thu nhập, thậm chí là phải bỏ tiền túi ra nhưng nó lại mang lại cho anh những giải thưởng. Đó có được coi là sự bù đắp?  Tất nhiên đó là một sự động viên rất lớn đối với văn phòng của mình. Nói thật là mình cũng cứ làm hết đam mê thôi chứ cũng không nghĩ ngợi gì nhưng luôn có một niềm tin vô hình. Sau nhà Suối Rè, nhà cộng đồng Cẩm Thanh ở Hội An, Trung tâm hạnh phúc Bhutan… thì các dự án nó cứ đến. Làm công việc kinh doanh rồi thị trường rộng mở. 2, 3 năm gần đây, khi kinh doanh bất động sản hay các loại hình văn phòng cũng bão hòa thì thiết kế kiến trúc là một phần rất lớn của cạnh tranh sản phẩm. Người ta cần thiết kế khác biệt. Văn phòng của tôi là một trong vài sự lựa chọn đầu tiên khi người ta tìm kiếm sự khác biệt.

Công trình hai lớp học thân thiện môi trường tại điểm trường Đao- Lào Cai

Dự án được phát triển và tài trợ chính bởi Tổ chức Sao Biển (tổ chức phi chính phủ Áo), đồng tài trợ bởi Công ty TNHH Oriflame Việt Nam, bà Thái Lan Anh và vợ chồng anh chị Nguyễn Hải, Châu Huyền. Dự án do Doanh nghiệp Xã hội Bền vững Việt Nam (VSSE) triển khai và phối hợp thiết kế cùng Công ty Cổ phần kiến trúc xây dựng Quốc tế 1+1>2. Chính quyền, cộng đồng địa phương, các đơn vị dự án, Nhà trường, cha mẹ và các em học sinh tại buổi lễ khánh thành Phòng học tạm trước đây Điểm trường Đao - Trường Tiểu học số 2 Xuân Hoà nằm tại xã Xuân Hòa – thuộc khu vực 3 của Chương trình 135 (xã đặc biệt khó khăn) tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Trường hiện có 78 học sinh đang theo học với độ tuổi từ 6 đến 11, tương ứng với lớp 1 đến 5. Trước đây, trường có hai phòng học tạm dành cho hơn 20 học sinh lớp 3 và lớp 4 chỉ được lắp ghép bởi tấm gỗ và che chắn bằng vải bạt mà không đảm bảo tiêu chuẩn phòng học. Giáo dục tiểu học là một quyền cơ bản của con người. Mỗi trẻ nhỏ không những cần được đi học, mà còn cần đi học trong điều kiện phù hợp nhất có thể để nuôi dưỡng tiềm năng và phát triển một tương lai tươi sáng hơn. Trẻ nhỏ ở vùng sâu vùng xa lại càng cần nhận được quan tâm bởi các em sẽ đóng góp tích cực vào phát triển cộng đồng địa phương. Dựa trên bối cảnh và đặc điểm địa hình khu vực miền núi phía bắc và tính đa dạng văn hóa dân tộc (Tày, Nùng, Dao và Mông) tại nơi đây, ngay từ ban đầu, dự án đặt ra mục tiêu xây dựng hai phòng học đảm bảo Tiện nghi, Thân thiện môi trường và giữ gìn Bản sắc địa phương. Lớp học mới Tiện nghi, Thân thiện với môi trường và đậm Bản sắc địa phương Hệ cửa sổ, gạch hoa, mái lợp đảm bảo tiện nghi ánh sáng, thông thoáng, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông Cụ thể, hai lớp học có thiết kế nhiều lỗ mở với kết cấu cửa sổ và hệ gạch hoa giúp tận dụng ánh sáng tự nhiên và đón gió đảm bảo thoáng mát vào hè. Đặc biệt hệ tường gạch đất bao gồm hơn 3000 viên gạch đất với độ dày 15cm. Gạch được sản xuất từ nguồn đất khu vực xã Minh Bảo, huyện Yên Bình, Yên Bái và được nén, hoàn toàn không qua nung như gạch thông thường. Đây được coi là vật liệu không phát thải C02, đảm bảo thân thiện môi trường. Kết hợp với hệ mái lợp trải rộng liền mạch cho 2 lớp học sử dụng khoảng 4000 lá khô được thu thập trực tiếp tại địa phương đảm bảo che nắng vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông. Ý tưởng mái lá dựa trên kinh nghiệm địa phương cũng như khẳng định thông qua kết quả nghiên cứu mô phỏng tiện nghi của chuyên gia từ CHLB Đức. Kết quả nghiên cứu mô phỏng tiện nghi của nhóm dự án đến từ chuyên gia từ CHLB Đức Không gian mở giữa hai lớp học tạo điều kiện giao lưu giữa các em học sinh Đặc biệt, dự án ghi dấu đa dạng bản sắc địa phương khi xét đến không gian tương tác mở ở giữa hai lớp học đảm bảo các em học sinh thuộc các nhóm dân tộc thiểu số khác nhau - Tày, Nùng, Dao, Mông có thêm nhiều không gian giao lưu, vui chơi, trao đổi văn hóa, ngôn ngữ. Công trình đồng thời nhận được sự tham gia đóng góp từ cộng đồng địa phương, cha mẹ học sinh và đoàn thanh niên như quá trình đào móng, vận chuyển gạch, thu lá khô. Đây là cơ sở để công trình trở thành tài sản chung dành cho các thế hệ tương lai của địa phương cùng học tập và phát triển. Chính quyền, cộng đồng địa phương, cha mẹ học sinh và đoàn thanh niên cùng tham gia đóng góp cho dự án Chính quyền địa phương, Nhà trường và cha mẹ học sinh tham quan công trình “Chúng em có phòng học mới!” Nay công trình đã được hoàn thiện với cơ sở hạ tầng tiện nghi toàn diện giúp các em nhỏ đi học với niềm hứng khởi, khích lệ những giáo viên yêu nghề mến trẻ cống hiến, khiến phụ huynh an tâm làm việc và hứa hẹn một cộng đồng với trình độ học vấn cao hơn và phát triển tích cực hơn. Trần Thị Thu Phương - Sáng lập Doanh nghiệp Xã hội Bền vững Việt Nam, Đơn vị Triển khai Dự án

Người theo đuổi triết lý kiến trúc vì hạnh phúc bền vững

Liên tục ghi dấu ấn qua nhiều cuộc thi kiến trúc quốc tế lớn, Hoàng Thúc Hào là một trong những kiến trúc sư (KTS) đã góp phần ghi dấu ấn Việt Nam trên thế giới với nhiều công trình kiến trúc hướng đến cộng đồng và văn hóa. Một trong những điều khác biệt tạo nên dấu ấn không nhầm lẫn vào đâu của KTS này nằm ở triết lý thiết kế nhất quán mà anh gọi là ngạc nhiên bền vững và kiến trúc hạnh phúc, để đi đến cái đích cuối cùng là tạo ra một cộng đồng hạnh phúc. Những từ ngữ nghe có vẻ lạ tai này, thực ra, không phải là điều quá cao siêu, xa lạ, nó là những giá trị đã trường tồn hàng nghìn năm. Văn hóa – cốt lõi của sự độc nhất và khác biệt Thưa anh, nhắc đến KTS Hoàng Thúc Hào, thấy hầu như các công trình của anh đều hướng đến cộng đồng và văn hóa. Hành trình này của anh đã bắt đầu như thế nào? Công trình đầu tay của tôi gắn với làng gốm Bát Tràng. Làng nghề là một trong những nét đặc trưng nhất của văn hóa Việt Nam. Đó là công trình nhằm giải quyết thực trạng ô nhiễm tại làng nghề này vào những năm 90. Khi ấy, với tập quán của làng nghề truyền thống, sự thiếu hợp lý trong quy hoạch khiến người dân sống trong ô nhiễm. Chúng tôi đưa ra giải pháp kiến trúc phù hợp với điều kiện thu nhập của người dân, tại một giao tuyến ở giữa bốn nhà, làm một cái ống khói chung. Xung quanh đó trồng cây. Vật liệu xỉ thải gom vào làm gạch. Nhiệt thừa của ống khói dùng để sinh hoạt, đun nước sôi, nấu cơm, sưởi cho mái và sấy cho sản phẩm thô của xưởng… Chúng tôi tạo ra một hệ thống cân bằng sinh thái, khơi lại kênh Long Nhãn, ao ngày xưa làm thành một cái ao vòng qua làng nối sông Hồng với sông Bắc Hưng Hải, trên bến dưới thuyền, thành một kênh để đưa gió, đưa nước vào. Để giải được bài toán đó, hẳn cần đến khối lượng kiến thức rất tổng hợp, không chỉ là kiến trúc đơn thuần? Đúng vậy, đó là những bài học vỡ lòng của tôi trong xu hướng kiến trúc tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Chúng tôi cũng bắt đầu bước vào con đường này từ đó. Năm 1994, công trình Bát Tràng đạt giải kiến trúc, chúng tôi lại bắt tay vào làm công trình cải tạo nhà tù Hỏa Lò thành Quảng trường khoan dung, dỡ bức tường Hỏa Lò và biến nó thành một quảng trường, nơi những cựu chiến binh có thể đến và chia sẻ với thế hệ tương lai. Công trình này giúp tôi đạt giải thưởng của Hội KTS Quốc Tế UIA – PARIS 1996. Hắn là với một KTS để có được những công trình thiết thực, mới lạ, việc tự quan sát và tìm ra vấn đề để giải quyết là rất quan trọng? Đúng vậy, luôn luôn là hành trình phát hiện và giải quyết vấn đề. Cùng với đó là tầm nhìn. Gần đây, nhiều công trình đạt giải thưởng lớn trên thế giới của anh đều là nhà cộng đồng cho dân tộc thiểu số, những ý tưởng này đã đến như thế nào, thưa anh? Đến một cách rất bình thường. Sau nhiều công trình tác phẩm nằm trên giấy, tôi nghĩ, đã đến lúc phải làm cái gì thật. Kiến trúc không phải là bài hát, bức tranh, cần phải triển khai trên thực tế. Tuy nhiên, tiêu chí là phải nhỏ vì mình tự bỏ tiền ra xây, bên cạnh đó muốn tạo một kênh để đi ra thế giới thì phải làm công trình có tính biểu tượng văn hóa Việt Nam, những điều đó chủ yếu nằm ở nông thôn. Trước tôi và một số người bạn có mua một mảnh đất ở Suối Rè, Hòa Bình, ở đó có đến 80% là người Mường. Chúng tôi suy nghĩ, mình cần phải làm một công trình nào đó để hội tụ được yếu tố văn hóa, người dân sẽ thường xuyên sử dụng thì công trình mới sống được. Vậy là nhà cộng đồng – như một đình làng kiểu mới, được chúng tôi nghĩ đến. Khảo sát thêm thì chúng tôi phát hiện ra, trong vùng đó có một nhà mẫu giáo suốt ngày ngập lụt dưới ruộng, trời mưa là học sinh phải nghỉ. Thế là chúng tôi đặt vấn đề để học sinh mẫu giáo có thể học ở đấy, còn người dân thì có thể sinh hoạt, hội họp. Ngoài ra, ngôi nhà được xây trên triền đồi, tựa vào khán đài, bà con có thể ngồi đó để xem bóng chuyền… Ngôi nhà cũng được thiết kể để phù hợp với cả văn hóa của người Mường và người Kinh. Dự án này chúng tôi bỏ ra 100% kinh phí. Cứ thế, các ý tưởng dành cho nhà cộng đồng của dân tộc thiểu số liên tục ra đời, cho đến ngày hôm nay, đi ra khắp thế giới, bùng nổ đến mức bản thân tôi cũng không thể ngờ được. Từ những công trình của mình, những trải nghiệm trên hành trình khám phá văn hóa bản địa,  chúng tôi tổng kết ra lý thuyết kiến trúc hạnh phúc và ngạc nhiên bền vững. “Ngạc nhiên bền vững” là lý thuyết nghe rất lạ tại, anh có thể chia sẻ rõ hơn về khái niệm này? Ngạc nhiên bền vững là một loại ngạc nhiên chậm, sinh ra trong quá trình vận hành thụ hưởng không gian đô thị đó một cách có ý thức trong dài hạn. Ngạc nhiên bền vững cũng là triết lý kiến trúc hướng đến việc bảo vệ sự đa dạng của vũ trụ. Toàn cầu hóa mang đến nhiều lợi ích nhưng đi cùng với đó là không ít mặt trái như ô nhiễm môi trường, mất đi sự đa dạng. Cứ thử nhìn xem, Sài Gòn, Bangkok, Thâm Quyến và Dubai giống nhau, đặc biệt, với những cộng đồng thiểu số yếm thế thì họ càng có nguy cơ bị mất đi, thậm chí là triệt tiêu, vậy thì làm cách nào để kiến trúc có thể bảo vệ sự đa dạng nói chung của cả trái đất và những cộng đồng yếm thế nói riêng, đó chính là kiến trúc của chúng tôi. Hội An có thể coi là một điển hình của kiến trúc ngạc nhiên bền vững. Sau nhiều thế kỷ, Hội An vẫn rất hấp dẫn. Với những cộng đồng yếm thế, họ cũng có quyền có kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên, các dự án của nhà nước như: tái định cư, nhà chống lũ…người ta phải làm những dự án lớn, tốc độ nhanh, tiết kiệm chi phí để giải quyết nơi ở cho người dân, trong trường hợp này, bản sắc là một thứ xa xỉ. Công trình của chúng tôi đóng vai trò tiếp biến văn hóa theo phương thức 1+1> 2. Tri thức hàn lâm hiện đại tiên phong là 1, cốt lõi dân gian là 1. Làm thế nào để phép cộng đó lớn hơn 2? Để làm được điều đó, cần những kiến trúc sư dấn thân. Vậy ai sẽ là người thụ hưởng sự ngạc nhiên đó? Tất cả mọi người, bao gồm cả cộng đồng bản địa, người thiết kế, người tham quan. Điều quan trọng là người dân không ngừng tự hào về cái họ có. Hãy tưởng tượng người dân Hội An ngày nay, họ vẫn sống tốt, kiếm được tiền, được ăn bánh Pizza hay nghe nhạc Jazz và hội nhập với thế giới. Kiến trúc Hội An vẫn hấp thụ được những nét đặc trưng văn hóa trong cuộc sống hiện đại. Nhưng sẽ như thế nào nếu 10 – 20 năm nữa sẽ có những kiến trúc sư khác vào và họ không còn đi theo triết lý của anh nữa? Điều đó còn do việc quản lý và sự phát triển của xã hội nữa, nhưng tôi tin là phương pháp của chúng tôi sẽ luôn luôn đúng, vì nếu không sẽ mất đi sự đa dạng. Mỗi kiến trúc sư có một cách làm khác nhau, nhưng anh không thể phủ nhận sự cần thiết của việc kết hợp giữa dân gian và hiện đại. Ví như Paris, mặc dù liên tục bồi thêm cái mới, nhưng nơi đó vẫn là biểu tượng của ngạc nhiên bền vững, bởi ở đó họ có một ý thức về ngạc nhiên bền vững. 4-5 tháng gần đây, tôi nghiệm ra một điều quan trọng: Tạo ra kiến trúc ngạc nhiên bền vững chỉ là một phần câu chuyện, quan trọng hơn và khó khăn hơn nhiều lần là làm thế nào để truyền cảm hứng và xây dựng một ý thức ngạc nhiên bền vững trong xã hội. Chỉ khi thế hệ sau đứng chắc trên nền thế hệ trước đã xây, có tính kế thừa, khi ấy ngạc nhiên bền vững sẽ có sức mạnh vô cùng lớn. Ít nhất thì tại thời điểm này, mình đã gieo một hạt giống về ngạc nhiên bền vững, đúng không thưa anh? Đúng vậy. Và điều này có tính triết học, tính quy luật nên không thể bác bỏ được. Làm thế nào để anh truyền cảm hứng và xây dựng ý thức đó trong xã hội? Đó là những hoạt động tiếp theo chúng tôi sẽ làm. Hiện tôi đã có một quỹ giáo dục, quyên góp từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, hướng đến việc ươm mầm phát triển những KTS trẻ có tâm huyết và trái tim lớn, dám dấn thân. Họ tham gia cùng chúng tôi tạo ra những điển hình lớn để truyền cảm hứng cho xã hội. Thông thường, một địa danh sẽ tạo nên dấu ấn với ba yếu tố chính: Thiên nhiên, con người, kiến trúc. Việc theo đuổi triết lý kiến trúc ngạc nhiên bền vững có phải cũng là một cách để anh làm cầu nối kết nối Việt Nam với thế giới? Chính xác! Ngạc nhiên bền vững là kết quả và mục tiêu của kiến trúc sư. Tôi gọi KTS đó là KTS hạnh phúc, họ chỉ vì hai thứ thôi: Vì con người và tương lai của văn hóa. Ngoài hai yếu tố đó ra, không được nhân danh gì hết. Chuyện hạnh phúc bền vững của đời người mà tôi nói đến thừa hưởng kết quả của một công trình nghiên cứu về khoa học tâm lý. Công trình này đã kết luận rằng: Hạnh phúc bền vững của đời người đến từ 3 nhóm chính. Đầu tiên là yếu tố bên ngoài, chiếm từ 10 -15%, đó là những vấn đề ngoại cảnh như bạn sinh ra trong một gia đình giàu có, bạn sống trong một ngôi nhà đẹp… 40-45% phụ thuộc vào mã gen, những điều rất khó thay đổi như: Bạn sinh ra là người hướng nội, thích màu đỏ, logic, nhạy cảm… 40-45%  còn lại là hoạt động có ý thức của con người. Nếu chúng ta hoạt động có chủ ý hướng thượng trong một thời gian dài, điều đó có thể gia giảm hàm lượng hạnh phúc bền vững của đời người. Kết luận của công trình này rất trùng với những gì chúng tôi làm. Chúng tôi làm kiến trúc xã hội cộng đồng, hướng đến các giá trị nhân văn trong một thời gian dài và vẫn tiếp tục hành trình này. Điều này có vẻ như làm nên rất rõ con người chúng tôi. Trong triết lý kiến trúc hạnh phúc của chúng tôi, KTS đóng vai trò là người dẫn dắt, dấn thân và tác động lại xã hội. Trách nhiệm của KTS ở những nước nghèo và kém phát triển là tiếp biến văn hóa, bảo vệ tiếng nói của những cộng đồng yếm thế, bảo vệ sự đa dạng của trái đất và làm sâu sắc thêm bản sắc của đô thị. Nhưng, triết lý kiến trúc hạnh phúc và ngạc nhiên bền vững cuối cùng vẫn phải vì cộng đồng hạnh phúc. Thời gian tới, ngoài những công trình nhà cộng đồng như hiện tại, anh còn những dự định nào khác? Chúng tôi có rất nhiều những công trình mang tính cộng đồng khác như: Trường học, sân chơi trẻ em, nhà dưỡng lão, quảng trường đô thị, trẻ khuyết tật, thư viện mở… Hay có thể là những nhà máy xử lý rác thải nhưng không chỉ xử lý rác mà còn trở thành một nơi để tham quan, làm thế nào để chợ truyền thống có thể vận hành tốt trong xã hội hiện đại mà không biến thành siêu thị… Còn rất nhiều dự định phía trước. Thời của kiến trúc sư dấn thân vì hạnh phúc Nhưng với Văn phòng kiến trúc 1+1>2 do anh sáng lập, hình như không chỉ có các công trình cộng đồng? Các công trình cộng đồng là phần miễn phí. Chúng tôi vẫn có mảng thiết kế văn phòng, khách sạn, resort, bảo tàng… Nhưng dù làm gì, chúng tôi vẫn luôn chia sẻ một triết lý chung: Chúng tôi chỉ làm những gì độc đáo. Khách hàng tìm đến chúng tôi là muốn tìm sự khác biệt và có yếu tố văn hóa trong công trình. Điểm mạnh của các thành viên trong 1+1>2 là coi trọng tính văn hóa trong kiến trúc. Làm sao để tạo ra được cái duy nhất, chỉ có dựa vào văn hóa để sáng tạo, phá cách, đột biến, đó là điều răn của chúng tôi. Trách nhiệm của KTS ở những nước nghèo và kém phát triển là tiếp biến văn hóa, bảo vệ tiếng nói của những cộng đồng yếm thế, bảo vệ sự đa dạng của trái đất và làm sâu sắc thêm bản sắc của đô thị Song hành với các bạn trẻ, anh nghĩ gì về cơ hội của ngành kiến trúc Việt Nam? Không có nhiều lĩnh vực Việt Nam đạt được những thành tích cao trong các cuộc thi lớn mang tầm quốc tế như ngành kiến trúc. Mình đánh thẳng vào những trung tâm kiến trúc thế giới và ghi dấu ấn, thành dòng hẳn hoi và thể hiện rõ nét tính bản địa, nhưng ngôn ngữ và tư duy của chúng ta thực sự đã ở tầm quốc tế. Hiện tại, còn những vấn đề gì khiến anh vẫn trăn trở? Làm sao để có thể làm ra giá trị gia tăng nhiều hơn nữa, công nghệ của mình phải tốt hơn nữa. Ý tưởng của mình tốt, nhưng hệ thống vận hành chưa thực sự  chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng sẽ đầu tư nhiều hơn cho các xưởng thử nghiệm vật liệu mới để ứng dụng vào các công trình. Một việc khác nữa là nâng tỷ lệ giá trị của ngành thiết kế kiến trúc, trong khi phí thiết kế của nước ngoài ở mức 10% thì Việt Nam chỉ có 3%, chúng tôi muốn nâng tỷ lệ này lên, ít nhất là 6%. Việc này xem ra không dễ phải không anh? Khó mấy cũng có lời giải, vì điều đó là vô lý. Trong sự vô lý chắc chắn đã chứa lời giải rồi, quan trọng là ai và khi nào. Chúng tôi luôn sống theo cách đó, đi tìm những điều vô lý và nghĩ đến những điều không tưởng. Điều đó làm cho cuộc sống luôn thú vị. Nhưng anh dành nhiều tâm huyết cho nông thôn như vậy thì có vẻ hơi thiệt thòi cho đô thị, bởi đô thị Việt Nam cũng rất cần những KTS dấn thân? Chúng tôi có một loạt những dự án đô thị, có dự án làng trường học, làng bệnh viện, làng treo trên cao… Mở ra những biên mới, gợi mở những sáng tạo mới. Hay như trước nay sông Hồng chỉ là nơi để người dân đi qua mà chưa thể hiện được nhiều vai trò, chúng tôi cũng có những dự án hy vọng làm sống dậy sông Hồng  và phục vụ con người.

Tuyển Nhân sự

Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 cần tuyển: A. Vị trí tuyển dụng: Kiến trúc sư. Số lượng 01 1. Yêu cầu ● Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Kiến trúc hoặc tương đương ● Có ít nhất 03 năm kinh nghiệm. ● Có khả năng giao tiếp, thuyết trình tốt. Biết tiếng Anh là lợi thế (không bắt buộc) ● Thành thạo các phần mềm đồ họa và phần mềm văn phòng phục vụ công việc.  Trong đó sử dụng thành thạo Revit là bắt buộc ● Có khả năng tham gia vào các giai đoạn của dự án từ ý tưởng đến triển khai kỹ thuật, giám sát tác giả tại công trình, làm việc với chủ đầu tư và nhà thầu. ● Tinh cách năng động, hoạt bát, phù hợp với môi trường làm việc trẻ trung, linh hoạt và hiệu quả 2. Quyền lợi: + Nhân viên có năng lực tốt có thể ký hợp đồng chính thức khi chưa hết thời gian thử việc. + Mức lương khởi điểm: 9 triệu.  + Lương, thưởng theo quy định của công ty (lương tháng 13, thưởng) + Hưởng các chế độ dành cho người lao động theo như quy định pháp luật hiện hành (BHYT, BHXH, BHTN…) B. Vị trí tuyển dụng: Diễn họa kiến trúc. Số lượng 01 1. Yêu cầu: ● Có ít nhất 1, 2 năm kinh nghiệm làm việc tương đương về đồ họa   ● Thành thạo các phần mềm đồ họa và phần mềm văn phòng phục vụ công việc Trong đó sử dụng thành thạo Photoshop và các phần mềm làm video là bắt buộc ● Có khả năng dựng phối cảnh 3d kiến trúc, quy hoạch, chỉnh sửa video, làm phim kiến trúc. Diễn hoạ tốt các bản vẽ kiến trúc công trình, cảnh quan ● Tốt nghiệp kiến trúc là một lợi thế 2. Quyền lợi: + Nhân viên có năng lực tốt có thể ký hợp đồng chính thức khi chưa hết thời gian thử việc. + Mức lương thử việc: 6 triệu.  + Lương, thưởng theo quy định của công ty (lương tháng 13, thưởng) + Hưởng các chế độ dành cho người lao động theo như quy định pháp luật hiện hành (BHYT, BHXH, BHTN…) C. Vị trí tuyển dụng: Kiến trúc sư Quy hoạch. Số lượng 01 1. Mô tả công việc - Lên phương án  thiết kế ý tưởng độc lập hoặc phối hợp với lãnh đạo để hoàn thiện phương án ý tưởng chung. - Triển khai chi tiết Hồ sơ bản vẽ sau khi đã hoàn thành ý tưởng. - Phối hợp cùng các bộ môn để hoàn thành đồ án . - Phối hợp nhóm để hoàn thành ý tưởng cũng như toàn bộ đồ án . 2. Yêu cầu: - Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành kiến trúc, quy hoạch. - Sử dụng phần mềm kiến trúc như: Office, Autocad, 3dsmax, Sketchup, Lumion …. - Có 1-2 năm kinh nghiệm trở lên; - Có trách nhiệm với công việc, có khả năng làm việc độc lập và theo nhóm; 3. Quyền lợi: + Nhân viên có năng lực tốt có thể ký hợp đồng chính thức khi chưa hết thời gian thử việc. + Mức lương khởi điểm: 7 triệu.  + Lương, thưởng theo quy định của công ty (lương tháng 13, thưởng) + Hưởng các chế độ dành cho người lao động theo như quy định pháp luật hiện hành (BHYT, BHXH, BHTN…) Thông tin liên hệ 1. Văn phòng : 24 Hòa Mã, Hai Bà Trưng, Hà Nội 2. Thời gian làm việc: Giờ hành chính, từ thứ 2 - sáng thứ 7 (chủ nhật nghỉ) 3. Hồ sơ bao gồm: +CV +Portfolio  +File Revit (đối với ứng viên vị trí Kiến trúc sư) 4. Địa chỉ nhận hồ sơ: + Online: Ứng viên gửi Hồ sơ có kèm ảnh qua các địa chỉ email: [email protected] Ghi rõ tiêu đề: [Họ tên ứng viên] ứng tuyển [Tên vị trí ứng tuyển] | 1+1>2 + Trực tiếp : Gửi Hồ sơ trực tiếp qua địa chỉ: Tầng 5, tòa nhà Cora, 24 Hòa Mã, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội Liên lạc sđt: 024 3976 4253; 097 395 6691 (ms Thùy Linh) Những ứng viên phù hợp chúng tôi sẽ liên hệ mời phỏng vấn trực tiếp tại công ty. Trân trọng.

Hà Nội thiếu vắng một chủ thuyết quy hoạch

Hà Nội chỉ giống cô bé Lọ Lem cách đây hơn 20 năm. Khi đó dân số ít, các khu đô thị mới chưa xuất hiện, hệ thống hồ ao, mặt nước đan xen khắp nơi, các khu cao tầng lác đác, cấu trúc khu phố cổ, phố Pháp cũng chưa bị phá vỡ quá mức, dịch kiến trúc nhại cổ mới manh nha thời kỳ đầu… Hà Nội – Lọ Lem lúc đó chỉ cần một “hoàng tử” tương đối đã có thể trở thành nàng công chúa xinh đẹp…   Còn bây giờ thì sao, thưa anh? Giờ thì cơn lốc kinh tế thị trường, sự bùng nổ đô thị và những yếu kém trong quản lý đã biến những vết lọ lem xưa thành vô vàn những vết sẹo hằn sâu, khó tẩy.   Anh có thể nói rõ hơn về những “vết sẹo” ấy và những hệ lụy kèm theo? Những bất cập của Hà Nội tồn tại dai dẳng, ai cũng thấy nhưng rất khó giải quyết vì không biết bắt đầu từ đâu – chúng đan xen với nhau, bắt rễ từ hạn chế về nhận thức của người dân, của các chủ đầu tư đến cả những cấp quản lý. Theo tôi, có thể khoanh vùng những vấn đề sau: Cấu trúc tổng thể đô thị đang bị rạn vỡ bởi hàng loạt dự án chồng chéo, được tiến hành theo kiểu mạnh ai nấy làm nhưng phương thức thống nhất: tối thiểu chi phí đầu tư hạ tầng nhằm tối đa lợi nhuận. Quy hoạch sử dụng tài nguyên đất, quy hoạch xây dựng đô thị, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch giao thông… thiếu đồng bộ, thường trật khớp. Nguyên nhân chính từ lối tư duy nhiệm kỳ, manh mún đồng hành với vấn nạn tham nhũng. Sự thiếu vắng một chủ thuyết quy hoạch dẫn đường khiến chúng ta không thể xây dựng được công nghệ quy hoạch thích hợp. Hệ quả là người dân không những không được hưởng lợi từ một cấu trúc đô thị mạch lạc, khoa học mà họ lại phải sống, tồn tại trong mạng cấu trúc đô thị lộn xộn, đứt gãy và ô nhiễm. Liên tiếp phát sinh những bực bội, stress, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng cũng như sự phát triển kinh tế - văn hóa của Thủ đô. Bạt ngàn các tuyến phố nhà ống, hệ quả của quy hoạch chia lô thô thiển, xuất hiện khắp nơi, lan thành những dãy phố đơn điệu, tẻ nhạt, những cấu trúc bao diêm dựng đứng, “đóng hộp” đời sống tinh thần con người. Những “khu đô thị mới” mọc lên như nấm, mục tiêu trên hết là lợi nhuận. Người ta giảm thiểu không gian công cộng, cây xanh, mặt nước, bê tông hóa mặt phố bằng chung cư cao tầng. Toàn bộ hình thức kiến trúc của khu vực này hoặc giả cổ (như Ciputra, The Manor..) hoặc nặng nề, đơn điệu (Trung Hòa Nhân Chính, Định Công, Đại Kim…) Hỗn dung phố cổ, phố Pháp và thành Hà Nội - một cơn sốt những công trình kiến trúc giả cổ, đặc biệt là trụ sở các cơ quan công quyền. Chúng ta chưa có một kịch bản quy hoạch sáng sủa cho hệ thống các công trình cao tầng trong khu cổ. Chiến lược bảo tồn, khôi phục và phát triển bản sắc khu vực không rõ, thiếu kiên quyết, thiếu hiệu quả. Bạt ngàn các tuyến phố nhà ống, hệ quả của quy hoạch chia lô thô thiển, xuất hiện khắp nơi, lan thành những dãy phố đơn điệu, tẻ nhạt, những cấu trúc bao diêm dựng đứng, “đóng hộp” đời sống tinh thần con người. Hệ thống mặt nước bị thu hẹp  bởi sự “nhảy dù” của cư dân, của những dự án vụ lợi và sự buông xuôi, thỏa hiệp của các cấp quản lý. Cảnh quan xung quanh hồ lộn xộn, nhà cửa khập khiễng. Chức năng thoát nước tự nhiên, điều hòa vi khí hậu của hệ thống hồ ao bị hạn chế, vai trò độc đáo của yếu tố mặt nước trong cảnh quan chung của đô thị không được phát huy… Thiếu vắng không gian công cộng. Hầu hết quảng trường ở Hà Nội chỉ là nút giao thông, không có không gian vui chơi, tuyệt nhiên không có tuyến phố đi bộ đúng nghĩa. Hệ thống công viên cây xanh ngày càng thu hẹp, chưa kể nguy cơ bị các dự án đầu tư nuốt chửng. Sự biến mất của các làng trong đô thị. Những làng truyền thống như Ngọc Hà, Kim Liên, Nghi Tàm, Nhật Tân… cũng không thoát khỏi sự tấn công của dịch chia lô, giả cổ. Cấu trúc và thế cân bằng sinh thái bị phá vỡ nghiêm trọng, còn đâu những lễ hội nghề tưng bừng… Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội không chỉ là những lễ hội, những cuộc mít tinh hay những dự án vội vàng. Điều cần hơn, thiết thực hơn chính là từ nhận thức về thực trạng kiến trúc, chúng ta có thể chủ động kiến tạo một lộ trình ra khỏi khủng hoảng?   Vậy theo anh, một lộ trình thoát khỏi khủng hoảng của kiến trúc HN có thể là gì? Lịch sử kiến trúc đô thị thế giới ghi nhận truyền thống kiến trúc của Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại, kiến trúc các thành phố thời Phục hưng: Florene, Pisa, Venice…; kiến trúc Paris cận hiện đại, các thành phố đương đại như New York, Chicago, Barcelona, Berlin... Ở châu Á, có Bắc Kinh, Tokyo, Thâm Quyến, Hồng Kong, Thượng Hải… Tất cả những thành phố có truyền thống kiến trúc nêu trên đều tồn tại một điểm chung, bất biến: đó là sự cộng sinh hoàn hảo giữa vai trò của KTS – Nhà quy hoạch đô thị với chủ đầu tư và vai trò quản lý Nhà nước. Biểu hiện cụ thể ở công thức hợp trội 1+1>2. Nhà quy hoạch – KTS tự do, thỏa chí sáng tạo. Chủ đầu tư văn hóa cao, tôn trọng nghệ sĩ và có khả năng cảm thụ cái đẹp. Nhà nước tạo hành lang pháp lý, ban hành các luật lệ về đầu tư xây dựng, quản lý đô thị… miễn sao cuộc sống đô thị diễn ra khoa học, thuận tiện đồng thời lãng mạn nhất, miễn sao ý tưởng của chủ thể sáng tạo có thể bộc lộ rõ ràng, trung thực nhất…  Với chúng ta, từ sự thức nhận các yếu tố hợp tác cộng sinh đến quá trình chuyên nghiệp hóa, cùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững chung - là cả một chặng đường dài. Tôi tin vào sự thức nhận của các nhà quản lý trẻ, các KTS – nhà quy hoạch trẻ. Tin rằng “nhân loại chỉ đặt ra những vấn đề mà họ có khả năng giải quyết”. Song lưu ý, then chốt nằm chính ở tính trung thực của vấn đề được nêu. Việc xây dựng thêm đền thờ Lý Công Uẩn là sự tốn phí không cần thiết và sẽ phá vỡ không gian kiến trúc ở khu vực này   Trong khi thực trạng kiến trúc Hà Nội còn quá nhiều bất cập thì dường như thành phố lại khá hờ hững với những ý tưởng làm đẹp Thủ đô. Anh và các đồng nghiệp có buồn về điều này? Buồn và không. Người ta hờ hững chắc vì có nhiều thứ khác thú vị hơn, vậy thôi.

Tin tức UIA - Phỏng vấn Hoàng Thúc Hào

Kiến trúc sư người Việt Nam Hoàng Thúc Hào từ lâu đã được công nhận tại Việt Nam vì cam kết của ông đối với kiến ​​trúc bản địa ở các cộng đồng nông thôn. Sinh ra tại Hà Nội vào ngày 2 tháng 5 năm 1971, Hoàng Thúc Hào tiếp tục theo học ngành Xây dựng tại Đại học Quốc gia Việt Nam, nơi anh tiếp tục giảng dạy về kiến ​​trúc bền vững và Đại học Bách khoa Turin ở Ý. Công việc sáng tạo của anh ấy trong các cộng đồng bị thiệt thòi đã giúp anh ấy được quốc tế công nhận. Điều gì khiến bạn phải làm việc ở những vùng nông thôn hẻo lánh? Các phần chính của trái đất, hầu hết là các khu vực dân tộc thiểu số, mặc dù có ý nghĩa về mặt văn hóa, không có kiến ​​trúc nào được thiết kế bởi các kiến ​​trúc sư chuyên nghiệp. Chính phủ chưa thực sự quan tâm và thiếu những kiến ​​trúc sư chuyên nghiệp quan tâm đến những vùng sâu, vùng xa này. Đó là một thực trạng đặc biệt phổ biến ở Việt Nam, một đất nước đã trải qua hết chiến tranh này đến chiến tranh khác trong suốt thế kỷ XIX và XX. Mặc dù lớn lên ở Hà Nội nhưng quê tôi là quê ngoại và là nơi sinh ra của bố mẹ tôi. Những chuyến đi thời thơ ấu, những câu chuyện dân gian được truyền từ đời này sang đời khác luôn nuôi dưỡng tình yêu của tôi đối với những vùng nông thôn và những con người vốn ít được quan tâm hơn những người dân thành thị. Và cuối cùng, tôi mong muốn đóng góp vào việc xây dựng và cải thiện xã hội thông qua kiến ​​trúc, bằng cách phát triển cả khu vực thành thị và nông thôn một cách cân đối và hài hòa.   Tại sao công việc của bạn tập trung vào kiến ​​trúc bản địa? Toàn cầu hóa đã đưa thế giới xích lại gần nhau nhưng cũng đẩy lùi những cộng đồng thiệt thòi và các nhóm thiểu số này. Các thành phố như Bangkok, Dubai, Thâm Quyến có thiết kế rập khuôn và đơn điệu, thiếu bản sắc. Nhà nước và các tổ chức xã hội có trách nhiệm xây dựng đô thị và nông thôn ưu tiên các dự án lớn, tốc độ cao, chi phí thấp, chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu, hầu như không bồi đắp văn hóa định cư mang bản sắc riêng. Trong khi đó, ở hầu hết các vùng dân tộc thiểu số, người dân đã kế thừa kinh nghiệm hàng nghìn năm của tổ tiên, tự tay làm nên kiến ​​trúc. Họ lưu giữ những nguồn tài nguyên văn hóa khổng lồ, góp phần tạo nên sự đa dạng của loài người. Câu chuyện này tôi thấy đã phản ánh rõ nét ở Việt Nam, dù có 54 dân tộc, mỗi dân tộc có phong cách truyền thống, độc đáo riêng nhưng vẫn chưa có kiến ​​trúc hiện đại xứng tầm. Tôi tin rằng “trúc là hoa của đất”, rằng mỗi vùng đất đều có một loài hoa cụ thể. Tôi nghiên cứu và thực hành nghề này với hy vọng bảo tồn di sản văn hóa của đất nước tôi đồng thời phát triển nền văn hóa kiến ​​trúc đa dạng trên thế giới. Làm thế nào để bạn thu hút các cộng đồng mà bạn làm việc trong các dự án của mình? Trước hết, các kiến ​​trúc sư phải nhạy bén về nhu cầu cụ thể và thiết yếu của người dân địa phương. Thứ hai, chúng ta phải hiểu rõ phong tục tập quán của từng cộng đồng cụ thể. Chúng tôi trao đổi và tiếp thu ý kiến ​​của cộng đồng trước khi bắt tay vào công việc để người dân hiểu rõ lợi ích của các dự án chung mang lại hạnh phúc cho quê hương, cùng với sự phát triển kinh tế và gắn kết xã hội. Triết lý của chúng tôi được thể hiện rõ nhất là “Kiến trúc Hạnh phúc 1 + 1> 2”. Nói cách khác, sự tích hợp của các kiến ​​trúc sư với các giá trị bản ngữ cốt lõi tạo ra một tiếng nói chung lớn hơn tổng các bộ phận của nó. Có như vậy, sức mạnh nội lực của cộng đồng và các nguồn lực xã hội bên ngoài mới được huy động về tinh thần và vật chất. Một khi cộng đồng nhận thức đầy đủ về mục đích của công việc, họ sẽ cống hiến nhân lực và vật lực của mình cho dự án chung. Quy trình thiết kế kiến ​​trúc sử dụng cho các cộng đồng nông thôn khác với quy trình làm việc ở thành thị như thế nào? Văn hóa làng là đặc sắc, nhưng cũng mong manh trước sự tấn công ồ ạt của các phong cách kiến ​​trúc “thời thượng”, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Kiến trúc nông thôn đòi hỏi sự tinh tế và kiên trì, đặc biệt là khi xử lý các không gian văn hóa và phong tục bản địa. Quá trình thiết kế của tôi được đặc trưng bởi mối quan hệ mật thiết với tất cả các giá trị địa lý và chính trị văn hóa nội tại của cộng đồng, liên quan trực tiếp đến tất cả các giai đoạn của quá trình thiết kế.    

5 CÂU HỎI CỦA KTS HOÀNG THÚC HÀO

( Về điều chỉnh QH cục bộ, lấy ý kiến cộng đồng QH chi tiết phân khu A6 bán đảo Quảng An và đề xuất phương án kiến trúc Nhà hát)   1. Đặc trưng hình thái đô thị Hà Nội là hệ thống mặt nước và các làng trong đô thị. Hồ Tây và bán đảo Quảng An là một trong những hạt nhân chính, tiêu biểu cho mã gene DNA của hình thái đô thị Hà Nội. Vậy QH điều chỉnh cục bộ và QH chi tiết bán đảo Quảng An đã kế thừa QH được duyệt 2014, làm sâu sắc như thế nào bản sắc này của Hà Nội và Hồ Tây?   2. Luận cứ xác đáng nào để xây dựng bộ chỉ số, chỉ tiêu QH điều chỉnh đảm bảo khung khống chế, quản lý phát triển trên nguyên tắc vừa tôn trọng lợi ích hợp pháp, thực tế của cộng đồng dân cư hiện có vừa gìn giữ, phát huy giá trị cốt lõi khu vực là một không gian văn hoá tâm linh tĩnh, sinh thái?   3. Trục “đại lộ” hiện đại, hoành tráng thiếu điểm kết giải toả giao thông, liệu có hình thành túi chứa khổng lồ các phương tiện cơ giới, gây ùn tắc, ô nhiễm vật lý và văn hoá cho khu vực ? Có thay đổi bản chất lối sống, tốc độ di chuyển vốn khá chậm, tĩnh trên bán đảo?   4.  Vị trí dự kiến xây Nhà hát Thăng Long trước đây nằm kết thúc trục đại lộ Tây Hồ Tây ( qua trụ sở cơ quan liên bộ), hay vị trí nào khác đắc địa, có thể tiếp cận giao thông đa hướng, giảm thiểu nguy cơ xung đột tâm linh - có thoả đáng, nhân văn hơn vị trí xây Nhà hát phủ lấp 1/3 mặt nước Đầm Trị?   5.  Những quyết định như giữ lại vườn hoa tam giác không xây công trình thương mại trước Nhà hát lớn, phố Phan chu Trinh; huỷ bỏ dự án khách sạn 5 sao khu vực rạp xiếc trong công viên Thống Nhất; giữ lại vườn hoa phố Nhà Chung - Nhà thờ lớn; hình thành mạng lưới phố đi bộ quanh Hồ Gươm; tạo dựng hệ thống cây xanh đô thị phủ khắp các tuyến giao thông trong thời gian ngắn…, đấy có là những quyết định nhân văn, hợp lòng người? Có để lại những bài học cho người sau?    

KTS HOÀNG THÚC HÀO NHẬN GIẢI THƯỞNG ROBERT MATHEWS CHO MÔI TRƯỜNG NHÂN VĂN VÀ BỀN VỮNG CỦA HIỆP HỘI KIẾN TRÚC SƯ QUỐC TẾ (UIA)

Lễ trao giải được diễn ra vào ngày 6/7/2023 tại Đại hội Kiến trúc sư Quốc tế 2023 tổ chức ở thủ đô Copenhagen tại Đan Mạch. Giải thưởng được trao cho KTS. Hoàng Thúc Hào (Việt Nam) bởi những dự án nhấn mạnh cảm giác gắn kết, tạo ra môi trường thân thiện cho cuộc sống của người dân địa phương. Đặc biệt, với Dự án Làng công nhân, KTS Hoàng Thúc Hào đã góp phần tái thiết cuộc sống của người lao động, khuyến khích sự kết nối giữa những người hàng xóm thông qua sân và hành lang chung cũng như các hoạt động chăm sóc vườn tược… Dự án Làng công nhân Lào Cai được xây dựng dành cho những người lao động xa quê, có thói quen giao lưu, tình làng nghĩa xóm. Thiết kế tạo môi trường sống thân thiện với các dãy nhà dân cư bao quanh không gian sinh hoạt chung, nằm giữa cây xanh, gần gũi với thiên nhiên. Khu phức hợp bao gồm 4 khối nhà, nằm trên các cao độ khác nhau khoảng 2,5m, có hành lang thông nhau. Các khối công trình hình vòng cung dựa theo đường viền tự nhiên, tạo lõi xanh ở giữa. Khoảng trống giữa các khối nhà và giữa các vị trí thang, tạo nên các phễu hút và hút gió đối lưu thổi qua sân trong. Kiến trúc nhà mảnh, hướng Bắc – Nam, tránh nắng nóng, đảm bảo các phòng đều có ánh sáng, thông gió tự nhiên. Mặt đứng được thiết kế với hệ khung bê tông hình cây, kết hợp bồn trồng hoa và cây leo che nắng, tạo hiệu ứng đổ bóng đặc biệt khi di chuyển dọc hành lang. Thiết kế tận dụng địa hình, độ dốc tự nhiên, hạn chế tối đa việc san lấp bãi rác, tạo thành những thửa ruộng bậc thang đặc trưng của miền núi phía Bắc. Ngoài khoảng sân giữa các dãy nhà, diện tích mái còn được tận dụng để trồng rau và các loại nông sản địa phương. Người lao động tự tay chăm sóc vườn tược, thu hoạch và mua bán nông sản, vừa bớt nỗi lo thực phẩm bẩn độc hại, vừa là cách thư giãn sau giờ làm việc. Nước thải sinh hoạt, nước mưa, nước mặt sau xử lý được dẫn vào bể chứa các tầng, sử dụng tưới cây tự động. Nhà ở, dịch vụ tiện ích, không gian công cộng, sân vườn, sân chơi chung, sân bóng đá, bóng chuyền, bể bơi cùng nhau tạo nên sự kết nối để cư dân sống như một ngôi làng thân thiện, bền vững.  

KTS Hoàng Thúc Hào nhận giải thưởng Vassilis Sgoutas 2017 của Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA)

Ngày 6/9, tại Đại hội Kiến trúc thế giới lần thứ 26 diễn ra ở Seoul (Hàn Quốc), Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) đã trao giải thưởng Vassilis Sgoutas Prize 2017 cho KTS Hoàng Thúc Hào - giảng viên khoa Kiến trúc và Quy hoạch của Đại học Xây dựng. Giải thưởng Vassilis Sgoutas Prize được đặt theo tên cựu Chủ tịch UIA Vassilis Sgoutas, xét trao ba năm một lần kể từ 2008, nhằm vinh danh những sáng tạo và giải pháp kiến trúc góp phần cải thiện tình trạng nghèo đói và bần cùng.     Ban giám khảo của Giải thưởng này đã công nhận những nỗ lực của KTS Hoàng Thúc Hào trong việc cải thiện chất lượng sống của người nghèo ở vùng cao và nông thôn của Việt Nam, trong khi vẫn tôn trọng văn hóa truyền thống địa phương và môi trường tự nhiên. Những tác phẩm kiến trúc xã hội, cộng đồng nổi bật của Hoàng Thúc Hào và cộng sự như: nhà cộng đồng Suối Rè (Hoà Bình), nhà cộng đồng Tả Phìn (Sa pa), nhà cộng đồng Cẩm Thanh (Hội An), trường học Lũng Luông (Thái Nguyên), làng Đất Nậm Đăm-Quản Bạ (Hà Giang)...      Huy chương Vàng và các giải thưởng năm 2017 của UIA: